CÁC CẤP ĐỘ PHÁT TRIỂN CỦA TRỢ LÝ ẢO AI

Hiện nay, trợ lý ảo là xu hướng công nghệ được đón đầu trên thế giới. Khởi nguồn từ chatbot trả lời tin nhắn tự động, hiểu và giải đáp thông tin cho khách hàng, cho đến sự phát triển của các trợ lý ảo bằng giọng nói hỗ trợ thực hiện tác vụ cá nhân. Tương tự như ô tô tự hành với 5 cấp độ, O’reilly, một công ty truyền thông của Mỹ, đã giới thiệu 5 cấp độ của trợ lý ảo. Khi trợ lý ảo đạt được cấp độ 5 sẽ dẫn đến một sự thay đổi đáng kể cho xã hội, nâng cao trải nghiệm khách hàng và tác động mạnh mẽ tới chu trình vận hành doanh nghiệp.

Trợ lý ảo, đặc biệt là trợ lý ảo sử dụng giọng nói, được coi là công cụ giao tiếp giữa người dùng với các thiết bị thông minh đã được kết nối, hướng tới hỗ trợ các tác vụ lặp đi lặp lại. Vậy 5 cấp độ của trợ lý ảo AI được O’reilly nhận định như thế nào? 

5 cấp độ của trợ lý ảo AI: Từ trợ lý hỗ trợ gửi thông báo đến các trợ lý AI tự động. Hiện tại chủ đạo là các cấp độ số 2. Nguồn: O’reilly 

Các cấp độ của trợ lý ảo AI

Cấp độ 1: Trợ lý ảo Hỗ trợ thông báo 

Đây là cấp độ cơ bản nhất, chỉ là các phần mềm tự động gửi thông báo cho người dùng thông qua điện thoại thông minh, hiển thị dưới dạng tin nhắn trong một số ứng dụng như WhatsApp.

Cấp độ 2: Trợ lý Hỗ trợ giải đáp 1 số câu hỏi thường gặp 

Đây là cấp độ trợ lý ảo khá phổ biến, cho phép người dùng đặt một câu hỏi đơn giản và nhận được phản hồi. Cấp độ 2 là một bước tiến về trải nghiệm so với việc người dùng phải truy cập vào các trang Câu hỏi thường gặp (FAQ) để tìm kiếm hỗ trợ thông tin. 

Một điểm đặc biệt nữa là trợ lý ảo ở cấp độ này bắt đầu có khả năng tạo ra một đoạn hội thoại ngắn với người dùng khi trả lời thêm được từ 1-2 câu đơn giản, tiếp nối câu hỏi chính. 

Cấp độ 3: Trợ lý ảo hỗ trợ người dùng theo ngữ cảnh 

Hầu hết các nhà phát triển trợ lý ảo hiện nay thường đề cập đến việc cung cấp cho người dùng những trợ lý ảo thông minh, linh hoạt và trả lời đúng ngữ cảnh. Trợ lý ảo thấu hiểu ngữ cảnh hội thoại, phát hiện ý định và cả các sắc thái cảm xúc của người dùng để thực hiện tác vụ chính xác và hồi đáp tự nhiên hơn. Những yếu tố thông tin bổ trợ như lịch sử trò chuyện của người dùng, cách họ nói, văn phong giao tiếp… cũng được trợ lý ảo phân tích để trở nên nhạy bén khi phản hồi người dùng. Việc quán chiếu theo ngữ cảnh sẽ giúp trợ lý ảo hiểu và phản ứng hợp lý với các yêu cầu liên tục và bất ngờ từ người dùng. Hiện nay, các trợ lý ảo thông minh có mặt trên thị trường, được tích hợp vào ô tô thông minh, loa thông minh hay nhà thông minh đa phần đang ở cấp độ 3 hoặc 3+. Trợ lý ảo có khả năng phân tích ngữ cảnh để hiểu mong muốn của người dùng, từ đó thực hiện các tác vụ chính xác theo yêu cầu.

Cấp độ 4: Trợ lý ảo cá nhân hóa

Giống như con người, khi bạn dành nhiều thời gian với ai đó thì bạn sẽ dần hiểu thói quen của họ hơn, thì trợ lý ảo ở cấp độ 4 với trí tuệ nhân tạo (AI) được kỳ vọng với khả năng tương tác linh hoạt như vậy. Thông qua thời gian dài giao tiếp, những thói quen của người dùng cũng được trợ lý ảo ghi nhớ và học hỏi, nhằm cá nhân hóa cuộc trò chuyện và gợi ý những tác vụ thường dùng. Chẳng hạn như trợ lý ảo có thể gợi ý bài hát người dùng yêu thích, hoặc cung cấp thông tin thời tiết vào buổi sáng mỗi ngày,…

Cấp độ 5: Trợ lý ảo hoàn toàn tự động

Đến cấp độ phát triển cuối cùng, các trợ lý ảo đã nắm bắt tương đối đầy đủ dữ liệu về người dùng và có thể tham gia tự vận hành một số khâu trong hoạt động doanh nghiệp. Không những giải đáp thông tin hay trò chuyện mà trợ lý ảo còn có thể tư vấn, đồng hành cùng người dùng và kết nối khách hàng với doanh nghiệp. Trợ lý ảo tại thời điểm này được coi như một mắt xích quan trọng, vừa hỗ trợ hoàn hảo cho người dùng, vừa chăm sóc khách hàng cho doanh nghiệp. Đây là một bước tiến nhảy vọt sẽ tốn khá nhiều năm, và là một tầm nhìn được các nhà nghiên cứu coi là hiện thực trong tương lai.

Hiện nay, các trợ lý ảo trên thị trường đa phần được định hình ở cấp độ 3 hoặc 3+, đồng hành và hỗ trợ người dùng thực hiện nhiều tác vụ, hướng tới những phút giây “rảnh tay” và thư thái trong cuộc sống bận rộn. Các đơn vị phát triển sản phẩm đang không ngừng nghiên cứu, tìm hiểu, ứng dụng công nghệ tiên tiến để đưa trợ lý ảo lên các cấp độ cao hơn, cá nhân hóa, linh hoạt và hữu ích hơn. 
Trợ lý ảo ViVi, một sản phẩm do VinBigData phát triển, đang được tích hợp trên các dòng ô tô điện thông minh của VinFast – VF e34. ViVi sở hữu ưu thế vượt trội về tiếng Việt với khả năng nhận diện chính xác tới 98%, kỳ vọng sẽ trở thành người bạn đồng hành giúp hành trình di chuyển trở nên mượt mà và lý thú. 
Tìm hiểu thêm về trợ lý ảo ViVi cũng như hệ sinh thái sản phẩm của VinBigData: Tại đây

Nguồn tham khảo: O’reilly 

Tags:

Chia sẻ:
Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin

Có thể bạn quan tâm

10 KHÓA HỌC CƠ BẢN VỀ KHOA HỌC DỮ LIỆU HOÀN TOÀN MIỄN PHÍ 

Kỷ nguyên của dữ liệu lớn đang mở ra, nhưng sức mạnh của dữ liệu không

Sử dụng dữ liệu lớn trong doanh nghiệp: tất cả những điều bạn nên biết

Theo một cuộc khảo sát được NewVantage Partners thực hiện cuối năm 2021, trong số 94